Cảnh báo nhiều chiêu trò lừa đảo dịp Tết Nguyên đán

31/01/2022 16:14 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện các chiêu trò lừa đảo vay tiền online dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, đối tượng gọi điện đến cho người dân và xưng là nhân viên ngân hàng.

Khuyến cáo chiêu trò lừa đảo trên mạng

Khuyến cáo chiêu trò lừa đảo trên mạng

Bên cạnh các thông tin xấu, độc, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng giả mạo website, fanpage của các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị... với nhiều chiêu thức tinh vi lừa đảo người sử dụng mạng internet.

Đối tượng hỏi nếu có nhu cầu vay tiền thì kết bạn Zalo và tải app vay tiền theo đường link từ Zalo. Sau đó, người dân được yêu cầu chuyển tiền đóng phí mới được giải ngân khoản vay. Sau đó, một số người nhẹ dạ, cả tin đã đóng phí nhưng không nhận được khoản vay.

Điển hình, ngày 23/1, Công an phường Phúc Đồng, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị T.N (sinh năm 1990, trú tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội) về việc có một đối tượng gọi điện đến, xưng là nhân viên ngân hàng và hỏi nếu có nhu cầu vay tiền thì kết bạn Zalo và tải app vay tiền theo đường link từ Zalo. Sau đó, theo yêu cầu của đối tượng, chị T.N đã chuyển gần 30 triệu đồng nhưng không nhận được khoản vay. Lúc này chị T.N mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Trước tình hình đó, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng xã hội. Những lời mời chào vay vốn với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Cũng theo Công an thành phố Hà Nội, hằng năm, thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân tăng cao, các trang mạng xã hội, cá nhân liên tục rao bán, đổi tiền lẻ với nhiều mệnh giá và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo qua các hình thức đổi tiền. Việc đổi tiền mới xuất phát từ tâm lý của người dân là muốn vật phẩm, quà mừng, tiền mừng..., đẹp, mới, với quan niệm năm mới, mọi thứ cũng phải mới. Thực tế, thói quen về việc đổi tiền mới để mừng tuổi, tiền lẻ để đi lễ đã hình thành nhiều năm nay.

Do đó, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua hình thức đổi tiền mới ngày Tết như: Nhiều website đổi tiền không có địa chỉ rõ ràng và thường yêu cầu khách chuyển khoản trước nên không ít người đã mất tiền khi chưa nhận được tiền mới, tiền lẻ. Khi giao nhận, tiền được bó kỹ thành từng cọc, từng thếp, do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro như số lượng thiếu, tiền bất hợp pháp.
 
Tại Điều 30, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Nguyễn Thắng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm