Dạy cá heo giao lưu với người ngoài trái đất

13/07/2014 08:00 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Một dự án khoa học đầy lãng mạn kết thúc trong bi kịch khi chú cá heo Peter được học tiếng Anh với mục tiêu sẽ giao tiếp được với người ngoài trái đất. Nhưng bi kịch không ở tiếng Anh, mà ở một thứ tiếng khác…

Cặp đôi Margaret và Peter

Có vẻ như Margaret và Peter sinh ra để có nhau, cả hai cùng trẻ và yêu biển. Họ làm quen nhau trên một hòn đảo đẹp như tranh của vùng Caribe, và chỉ sau một thời gian họ không thể xa nhau nữa. Một chuyện tình lãng mạn? Không hẳn. Vì Margaret Howe Lovatt 22 tuổi, Peter 6 tuổi nhưng là một con cá heo.

Họ gặp nhau vào năm 1964 trên đảo Saint Thomas thuộc Mỹ, khi Lovatt nghe đồn về một nhà nuôi cá heo. Có gái yêu thiên nhiên phớt lờ mọi biển cấm để sục vào tận nơi. Gregory Bateson, người phụ trách Dolphin House, cau có hỏi cô gái tìm gì ở đây, và Lovatt đáp cương quyết: “Tôi nghe nói ở đây có cá heo, và tôi muốn giúp chăm sóc chúng”. Bateson rất ấn tượng bởi cách hành xử ấy và tuyển Lovatt làm trợ lý trong một thí nghiệm thuộc loại kỳ dị nhất của lịch sử khoa học: Ở Dolphin House các nhà khoa học dự định dạy tiếng Anh cho cá heo, và họ còn nghĩ xa hơn nữa: những con cá heo biết tiếng Anh sẽ giao tiếp với người ngoài Trái đất!


Lovatt và Peter

Ý tưởng cách mạng

Một số ý tưởng hôm nay có vẻ nực cười, nhưng vào những năm 1960 là thành phần của nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Cuộc chạy đua lên không trung giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô được điểm hỏa bằng vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 (1957), và nó đồng thời thúc đẩy các ước vọng của con người ở hai thế giới Đông và Tây bán cầu. Liệu người ta có gặp các dạng sự sống và sinh vật lạ trên đó? Và nếu có, sẽ giao lưu với họ bằng cách nào?   

Nhà nghiên cứu tâm thần Mỹ John Lilly có một ý tưởng phi thường: Luyện tập từ sớm việc giao lưu với sinh vật ngoài Trái đất thông qua một sinh vật phát triển khác dưới đất - là cá heo. Sự liên kết giữa hai nền văn minh hầu như không có gì chung, đó cũng là nội dung cuốn phim tài liệu The Girl Who Talked To Dolphins của đạo diễn kiêm nhà sản xuất người Anh Christopher Riley làm cho BBC. Tác phẩm của ông thuật lại một thí nghiệm được coi là có ý nghĩa “không kém đưa người lên Mặt  trăng!”.

John Lilly, sếp của dự án, đưa ba con cá heo về ngôi nhà trắng sát mép biển ở Saint Thomas. Sissy - to khỏe và hiếu động, Pamela - nhút nhát và trầm tính, cũng như Peter sáu tuổi - đang tuổi dậy thì đầy khó khăn. Ở đây ba con sống khá thoải mái. Với nguồn tài trợ dồi dào từ NASA và hải quân Mỹ, người ta xây riêng Dolphin House. Một bể nước khổng lồ liên tục được thay nước biển sạch, có lắp kính bên sườn để tiện giám sát.  


Sau ngót 50 năm im lặng, Margaret Howe Lovatt nay mới phá vỡ sự im lặng và kể về những trải nghiệm với Peter

Nhưng công việc chính chỉ có thể bắt đầu vào mùa Xuân 1964. Trong khi Gregory Bateson chủ yếu nghiên cứu sự giao lưu giữa những con cá heo thì Lovatt dạy tiếng Anh cho chúng. Những con cá heo thông minh phải học bắt chước cách phát âm của người. Một số âm, như phụ âm M, cực kỳ khó. Các tiết học lê thê làm các bên buồn chán. Cho đến khi Margaret Lovatt có một sáng kiến quyết định.

Mỗi ngày, hết giờ làm việc thì nhân viên Dolphin House về nhà, để lại bầy cá cô đơn. Lovatt quyết định xin ở cùng Peter qua đêm! Cô sửa lại căn phòng sát bể bơi làm chỗ ngủ, ở đó nước ngập tới đầu gối để Peter thoải mái bơi vào sát giường. Mỗi tuần 6 ngày. Chủ nhật, Peter được nâng lên bằng một cần cẩu đặc biệt đưa đến với “nàng” Sissy và “nàng” Pamela. Các ngày còn lại là học. Để Peter nhìn rõ chuyển động của môi, Lovatt bôi đen môi mình và tô trắng xung quanh cho nổi. Kết quả “phát âm” được ghi vào hàng trăm băng từ.  

Sau một thời gian sống biệt lập, Peter cho thấy nó không chỉ tò mò làm quen cô giáo của mình. “Peter thích gần tôi. Nó cọ vào chân hoặc tay tôi”. Ở tuổi dậy thì, Peter bắt đầu thể hiện nhu cầu sinh lý. “Tôi không lấy đó làm khó chịu”, Lovatt kể lại, “và tôi dung thứ các hành vi đó, chừng nào không quá trớn”.  

Như đã nói, ban đầu người ta đưa Peter đến chỗ hai bạn tình kia. Song các buổi “giải lao” đó ngày càng dài và càng thường xuyên hơn. Lovatt quyết định giải quyết vấn đề đó tại chỗ - bằng tay. “Nó không có ý nghĩa tình dục gì với cá nhân tôi, mà chỉ để khỏi mất thì giờ”.

Tình yêu và cái chết

Dự án nhận thêm một áp lực khác từ các nhà tài trợ, vì họ cũng sốt ruột muốn biết kết quả. John Lilly, vốn đã tự thử ma túy LSD trên cơ thể mình, nảy ra một ý tưởng rất đáng ngờ về đạo đức: Ông thử dùng LSD để cá heo thoải mái hơn, qua đó dễ dàng vượt rào cản ngôn ngữ giữa cá heo và người.  

Lovatt phẫn nộ khi nghe đến “sáng kiến” của Lilly và bảo vệ các học trò của mình bằng được. Lilly đành chấp thuận gạt Peter khỏi dự án, chỉ thí nghiệm dùng LSD cho Pamela và Sissy. Cả nhóm nghiên cứu hồi hộp chờ kết quả mà thiếu nó thì dòng tiền tài trợ có thể bị cắt sớm. 10 phút trôi qua. Rồi 20 phút. Lilly hết kiên nhẫn, ông dùng búa máy dộng lên nền nhà để khiêu khích cá. Kết quả vẫn không khá hơn. Rõ ràng ma túy không công hiệu với các sinh vật có vú khác.

Năm 1966, khi cạn tiền, người ta chở Peter, Sissy và Pamela về Florida, vào một phòng thí nghiệm chật chội thiếu ánh nắng. Một ngày xấu trời, John Lilly gọi điện cho Margaret Lovatt: “Peter đã tự sát! Nó cứ thế chìm xuống đáy bể và không thở nữa”. Với bác sĩ thú y Andy Williamson, người chăm sóc cá heo ở Saint Thomas, chỉ có một cách giải thích: “Peter thiếu tình yêu của Lovatt. Sự chia cắt đã làm nó hết ý chí muốn sống”.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm