Tình hình Nga - Ukraine ngày 3/4: Nga tuyên bố chỉ xuất khẩu lương thực tới các nước thân thiện

03/04/2022 19:35 GMT+7 | Tin tức 24h

(lienminhbng.org) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Nga-Ukraine ngày 2/4: Ukraine mở 7 hành lang nhân đạo

Nga-Ukraine ngày 2/4: Ukraine mở 7 hành lang nhân đạo

Theo Tân Hoa xã, ngày 1/4, Ukraine và Nga đã tiến hành trao đổi tù binh theo thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán hồi tuần này.

 

Đọc thêm các thông tin về tình hình Nga - Ukraine TẠI ĐÂY

 

(Tiếp tục cập nhật)

 

Nga tuyên bố chỉ xuất khẩu lương thực tới các nước thân thiện

Hãng thông tấn RIA dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev ngày 3/4 cho biết, nước này sẽ chỉ xuất khẩu lương thực, cây trồng tới các "quốc gia thân thiện" và thu về đồng ruble hoặc đồng nội tệ của các nước này.  

Trước đó, hôm 1/4, ông Medvedev nhấn mạnh lương thực là một "vũ khí thầm lặng" trong cuộc chiến trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây và Nga có thể ngừng mua bán thực phẩm với "các quốc gia không thân thiện".   

Theo ông Medvedev, Nga là một trong những nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới, bên cạnh Ấn Độ và Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Nga cũng là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất. Ông Medvedev cũng cho biết xuất khẩu nông nghiệp đã mang về cho Nga 37 tỷ USD trong năm 2021 và Nga có "rất nhiều bạn hàng" bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ.  

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev

Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã giáng các đòn trừng phạt kinh tế vào Moskva. Nga đã đáp trả bằng một số biện pháp, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm. Phương Tây đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kể từ ngày 24/2 vừa qua, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.    

Nguy cơ thiếu lương thực trên thế giới đã được cảnh báo sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát. Ukraine cũng là nhà sản xuất lúa mì hàng đầu trên thế giới.  

Hôm 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh, theo đó việc xuất khẩu khí đốt sang "các nước không thân thiện" (những nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga) sẽ phải được thanh toán bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 1/4.

Đức hành động thận trọng trong vấn đề nhập khẩu khí đốt của Nga

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck ngày 2/4 nói rằng Đức vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga trong thời gian nhất định, song cũng sẵn sàng cho mọi kịch bản.       

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo RP của Đức, ông Habeck nêu rõ hiện tại nguồn cung khí đốt vẫn tiếp tục được đảm bảo. Theo ông, tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Điện Kremlin liên quan tới việc thanh toán khí đốt bằng đồng ruble là trái ngược nhau, do vậy Đức đã đưa ra mức cảnh báo sớm trong trường hợp khẩn cấp dù "không ai muốn khủng hoảng leo thang".    

Theo ông Habeck, Berlin sẵn sàng cho mọi khả năng bởi điều quan trọng là cần cân nhắc kỹ, thậm chí cả những kịch bản khó xảy ra nhất. Ngày 30/3, Bộ trưởng Habeck đã cảnh báo sớm trước khả năng Moskva cắt nguồn cung khí đốt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây. Sau đó ngày 31/3, Tổng thống Nga Putin đã ban hành sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với các công ty của các quốc gia "không thân thiện" phải được thanh toán bằng đồng ruble.        

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm khí đốt ở Werne, miền tây nước Đức, ngày 24/3/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Báo chí Đức dẫn lời ông Habeck cho biết Chính phủ liên bang Đức đang cân nhắc rất kỹ để "ngăn chặn những thiệt hại lớn hơn". Theo ông, một "gói phục sinh" sẽ được đưa ra thảo luận tại Nội các Đức vào tuần tới, bao gồm nhiều thay đổi về luật pháp để mở rộng nguồn năng lượng tái tạo. Theo Bộ trưởng Habeck, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đang khiến Đức phải trả giá bằng sự thịnh vượng, dù vậy, trong mọi trường hợp, vào mùa Thu hoặc mùa Đông tới, Đức sẽ sẵn sàng độc lập với nguồn cung cấp nguyên liệu thô của Nga.       

Theo các nguồn tin, "gói phục sinh" về bản chất là gói năng lượng tái tạo hướng tới sự độc lập và an ninh năng lượng cho Đức. Điều này bao gồm việc sửa đổi sâu rộng đối với đạo luật về các nguồn năng lượng tái tạo (EEG), tạo động lực để người dân mở rộng nguồn điện tái tạo từ chính hệ thống năng lượng Mặt Trời lắp đặt trên mái nhà hay trang trại điện gió.   

Algeria hiện không thể thay thế khí đốt của Nga ở châu Âu

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Algiers, ngày 2/4, Tổng giám đốc công ty năng lượng nhà nước Sonatrach của Algeria, ông Toufik Hakkar, cho biết quốc gia Bắc Phi này hiện không thể thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu.     

Trong một tuyên bố trước báo chí, Ông Hakkar nói rằng hiện Algeria có vài tỷ mét khối khí đốt, nhưng không thể thay thế nguồn cung từ Nga. Mặt khác, dựa trên xem xét tốc độ thăm dò các mỏ khí đốt, công suất của Algeria sẽ tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới, điều này đảm bảo triển vọng đầy hứa hẹn cho các khách hàng châu Âu của nước này. Ông Hakkar cho biết thêm rằng Sonatrach dự định đầu tư khoảng 40 tỷ USD vào khai thác và sản xuất dầu khí từ năm 2022 đến năm 2026. Hiện công ty đã phát hiện ra 3 mỏ dầu mới kể từ đầu năm nay, một trong số đó bao gồm một mỏ khí có trữ lượng khoảng một tỷ thùng.     

Algeria hiện đứng thứ 5 thế giới về sản xuất khí đốt sau Mỹ, Nga, Iran và Canada. Nước này cũng nằm trong số 20 nhà sản xuất dầu thô hàng đầu, với trung bình 982.000 thùng được sản xuất hàng ngày tính đến tháng 2 năm nay. Sonatrach là công ty sản xuất, lọc dầu, vận chuyển và bán sản phẩm dầu mỏ, đồng thời là công ty lớn nhất không chỉ ở Algeria mà còn trên toàn châu Phi.

Các nước Baltic ngừng nhập khí đốt từ Nga

Người đứng đầu công ty điều hành dự trữ khí đốt tự nhiên của Lavia ngày 2/4 khẳng định các nước vùng Baltic đã không còn nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Phát biểu trên đài phát thanh Lavia, ông Uldis Bariss - Giám đốc điều hành Conexus Baltic Grid, cho biết từ hôm 1/4, khí đốt tự nhiên của Nga đã không còn được chuyển tới Latvia, Estonia và Lítva. Ông cũng cho biết hiện thị trường khí đốt tại Baltic đang được cung cấp từ các kho dự trữ khí đốt ngầm ở Latvia.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Nga hôm 31/3 tuyên bố các hợp đồng chuyển giao khí đốt cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị đình chỉ nếu các nước không thanh toán bằng đồng ruble.

Liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Mỹ hiện đã cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga, trong khi EU cũng tìm cách hạn chế phụ thuộc năng lượng Nga. Năm 2021, khoảng 40% tổng lượng khí đốt tiêu dùng tại EU là nhập từ Nga.

tình hình ukraine, quan hệ nga ukraine, căng thẳng Nga Ukraine, nga & ukraine, căng thẳng Nga Mỹ, Nga và NATO, quan hệ nga châu âu, tình trạng khẩn cấp ở Ukraine
Cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo của Nga. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nga, Ukraine thông báo về quá trình hòa đàm

Hãng thông tấn RIA của Nga ngày 3/4 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết cuộc đàm phán giữa nước này với Ukraine diễn ra không hề dễ dàng, nhưng điều quan trọng là quá trình này vẫn diễn ra.

Ngoài ra, ông Dmitry Peskov cho biết Nga muốn tiếp tục đàm phán với Ukraine ở nước láng giềng Belarus, nhưng Kiev đã phản đối đề nghị này.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu tại cuộc họp báo ở Moskva. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, đại diện phái đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong phát biểu trên truyền hình, ông David Arakhamia không đề cập tới thời gian hay địa điểm.

Theo quan chức này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga và Ukraine, và "dường như để xác nhận từ hai phía về việc họ sẵn sàng cho một cuộc gặp trong tương lai gần". Ông nói: "Chúng tôi nghĩ nhiều khả năng sẽ là ở Istanbul hoặc Ankara".

Trước đó, cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul diễn ra ngày 29/3. Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moskva tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên. Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng tại Ukraine.

    Anh Hiển/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm