Giai thoại chung quanh nhạc phẩm 'Nắng chiều'

14/07/2021 08:25 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Có nhiều giai thoại đã và đang lưu truyền xoay quanh nhạc phẩm Nắng chiều, cũng như những câu hỏi mà người Hội An thường đặt ra như: “Bến nước xưa” là bến nước nào? “Người ngày xưa” trong bài hát này là ai? Chính Lê Trọng Nguyễn cũng nhiều lần từ chối trả lời những câu hỏi tương tự, khiến chúng mãi mãi là một ẩn số.

Chuyện ít biết về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (kỳ 1): Nên duyên chồng vợ cùng cô láng giềng

Chuyện ít biết về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (kỳ 1): Nên duyên chồng vợ cùng cô láng giềng

Ngoài ca khúc "Nắng chiều" gần như bất tử, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1/5/1926 - 9/1/2004), còn khá nổi tiếng với "Bến giang đầu", "Chiều bên giáo đường", "Lá rơi bên thềm" (lời: Nguyễn Hiền)…

Đây có lẽ là “ca khúc quốc tế hóa” rộng nhất và sớm nhất của Việt Nam, khi mà tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Khmer… đều có. Đến tận ngày nay, trong các buổi tiệc tùng và karaoke tại Trung Quốc, Nhật, Campuchia… ca khúc này vẫn còn được chọn hát khá nhiều.

“Qua bến nước xưa lá hoa về chiều”

Ngày trước, các văn nghệ sĩ Hội An thường thuê thuyền ngược dòng Thu Bồn lên Hòn Kẽm - Đá Dừng ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam, xa gần 100km, để du ngoạn và tìm cảm hứng sáng tác. Một buổi chiều trong chuyến du ngoạn, thuyền tạm dừng ở bến đò sát cầu Nông Sơn ngày nay, Lê Trọng Nguyễn cùng cả đoàn rời thuyền lội bộ ngắm cảnh. Phải chăng khung cảnh ngây ngất trong buổi chiều vàng của vùng quê yên bình, hòa với nỗi nhớ người yêu đang ở Hội An, đã khởi nguồn cho ý tưởng “qua bến nước xưa lá hoa về chiều”.

Chú thích ảnh
Lê Trọng Nguyễn lúc về thăm vợ và con ở Hội An năm 2001. Ảnh tư liệu gia đình

Phải chăng những hình ảnh đầy ấn tượng của vùng quê đã in đậm trong tâm tưởng của Lê Trọng Nguyễn để rồi vài năm sau Nắng chiều ra đời. Theo tư liệu của gia đình còn giữ, ông kể cái câu “qua bến nước xưa lá hoa về chiều” cứ ở mãi trong tâm tưởng mấy năm trời.

Ca khúc Nắng chiều được hoàn chỉnh tại Huế, cho nên trong một thời gian dài có giai thoại cho rằng Lê Trọng Nguyễn đem lòng yêu một bóng hồng xứ Huế, nguyên là cháu gái của đức bà Từ Cung.

Về phần mình, ông chỉ kể: “Sau cuộc đảo chính của Nhật năm 1945, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú tại Hội An, mà tôi lúc đó cũng ở Hội An. Gia đình có một người con gái, tôi thầm yêu người con gái ấy. Cái ý định viết một bài cho mối tình ở Hội An nó nhen nhúm trong lòng đã từ lâu, nhưng phải chờ có một tia lửa thật mạnh thì cái âm ỉ ấy nó mới bốc lên được. Và vào một buổi chiều vàng trong cung An Định tại Huế, cái tia lửa ấy nó được đốt cháy lên bởi một người thiếu nữ họ Hoàng, cháu gái bà Từ Cung”.

Có một giai thoại khác cho rằng vào thập niên 1950, Lê Trọng Nguyễn sáng tác Nắng chiều là để tặng cho một cô gái Nhật tên là Shoshi Koe, vốn đang làm việc tại tòa lãnh sự Nhật Bản ở Sài Gòn, như một kỷ niệm ghi lại chuyện tình của 2 người. Sau này, khi trở về Nhật, Shoshi Koe đã chuyển ngữ Nắng chiều sang tiếng Nhật và trở nên nổi tiếng tại nước này.

Chú thích ảnh
Một trang của bản “Nắng chiều”- ca khúc nổi tiếng quốc tế của tân nhạc Việt Nam

Tuy nhiên, do Nắng chiều vốn được sáng tác năm 1953,nhiều năm trước khi Lê Trọng Nguyễn chuyển vào Sài Gòn sinh sống và quen biết với Shoshi Koe. Cho nên câu chuyện về mối tình của Lê Trọng Nguyễn và Shoshi Koe có liên quan đến bài hát hay không, có lẽ chỉ là một giai thoại đẹp trong giới văn nghệ trong những lúc trà dư tửu hậu. Nhưng năm 1963, khi Shoshi Koe qua đời bất ngờ tại Nhật, báo chí Nhật có nhắc đến “Lê Trọng Nguyễn tình nhân”, còn báo chí Sài Gòn thì đặt giả thuyết rằng “chết do bệnh tương tư”.

Theo hồi ức của nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân, một thân hữu của Lê Trọng Nguyễn sống tại Hội An, khoảng giữa thập niên 1950, trong một chương trình hội chợ tại Đà Nẵng, ca sĩ Kỷ Lộ Hà của lãnh thổ Đài Loan mong muốn được hát ca khúc tiếng Việt. Lúc đó Lê Trọng Nguyễn đang dạy nhạc tại trường Nguyễn Duy Hiệu, huyện Điện Bàn, qua những lời giới thiệu, Kỷ Lộ Hà đến gặp ông để đặt vấn đề về tác quyền, nàng đã được nhạc sĩ tận tình hướng dẫn cách phát âm và hát bằng tiếng Việt.

Qua giọng ca của nữ ca sĩ Đài Loan, Nắng chiều được khán giả 4 phương nhiệt tình đón nhận. Sau đó bài hát này được Thận Chi đặt lời Hoa với tên gọi Tình ca Việt Nam, nổi tiếng tại lãnh thổ Đài Loan, lãnh thổ Hong Kong và cả những khu vực nói tiếng Hoa.

Cũng có giai thoại nói rằng Kỷ Lộ Hà và Lê Trọng Nguyễn đã trao tình ý với nhau qua thư từ. Nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân có chụp một số ảnh về họ, rất tiếc do thời gian quá lâu nên phim ảnh bị thất lạc, nên không còn “bằng chứng”, giờ đành kể lại như một giai thoại về người nhạc sĩ tài danh.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Midori Satsuki năm 1963, lúc nổi tiếng với ca khúc “Nắng chiều” tại Nhật

Còn theo lời của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ông là người lần đầu tiên giới thiệu bài hát này cho nữ ca sĩ Nhật Midori Satsuki, lúc cô này muốn hát một nhạc phẩm của Việt Nam tại hội chợ Thị Nghè ở Sài Gòn vào năm 1958. Sự thành công khi biểu diễn bài hát này tại Việt Nam đã khiến Midori Satsuki mang về chuyển ngữ sang tiếng Nhật và tiếng Anh để biểu diễn, đạt được nhiều thành công.

Cũng theo lời Nguyễn Hiền, mãi đến giữa năm 1961, khi Lê Trọng Nguyễn vào Sài Gòn, 2 người mới gặp nhau và chơi chung trong một nhóm với các nhạc sĩ Lan Đài, Anh Việt, Y Vân, Hoàng Nguyên như người một nhà. Sau đó, Lê Trọng Nguyễn lại trở ra Đà Nẵng, làm việc tại hãng Sealand.

Các bóng hồng

Một người vợ thanh lịch trong đời thực, một người tình quấn quýt trong cõi nhớ, một giai nhân thoáng qua trong buổi chiều vàng, 3 bóng hồng thấp thoáng trong tâm tưởng đã là những chất xúc tác cho Nắng chiều trở thành một nhạc phẩm để đời.

Và cũng chính 2 bóng hồng ngoại quốc tài năng đã mang Nắng chiều ra khỏi tầm quốc gia, như một sự khế hợp ngẫu nhiên của tạo hóa, quả là nghệ thuật có những lý lẽ riêng. Cũng trong những lý lẽ riêng ấy đã khiến đạo diễn Lê Mộng Hoàng chọn Nắng chiều làm ca khúc chính trong phim cùng tên được ra mắt năm 1973, với sự tham gia của nữ minh tinh Thanh Nga và các nghệ sĩ Hùng Cường, Phương Hồng Ngọc...Kịch bản phim này do một người con của Hội An viết, đó là nghệ sĩ La Thoại Tân.

Năm 1994, trong kiệt tác Xích lô, để hồi tưởng về quê nhà và những chuyện tình không nói thành lời, đạo diễn Trần Anh Hùng đã cho 2 người lính cụt chân hát bài này bằng giọng Quảng Nam.

Năm 1983, Lê Trọng Nguyễn sang Mỹ định cư, tại đây ông sống cùng người vợ sau là bà Nguyễn Thị Nga và 4 người con. 20 năm sau, ông về thăm vợ và người con gái đầu ở Hội An, 5 chị em cũng bắt đầu có kết nối, nhưng ít ai ngờ đó là chuyến gặp mặt lần cuối cùng. Lê Trọng Nguyễn trở lại Hoa Kỳ và qua đời vào năm 2004, khép lại cuộc lãng du của một người nhạc sĩ tài hoa, với những nghi vấn không có lời giải đáp chính xác cho lớp hậu thế yêu âm nhạc.

Trương Nguyên Ngã

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm