Góc nhìn 365: Giữ di sản đô thị thế nào?

07/04/2022 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày hôm qua 6/4, lãnh đạo Hà Nội vừa có chỉ đạo yêu cầu các bên liên quan tạm dừng phá dỡ tòa nhà 61 Trần Phú, đồng thời kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả trước ngày 15/4 tới.

Hà Nội: Yêu cầu làm rõ phản ánh về công trình xây dựng tại 61 Trần Phú

Hà Nội: Yêu cầu làm rõ phản ánh về công trình xây dựng tại 61 Trần Phú

Vấn đề liên quan đến 2 công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) và số 84 đường Láng (quận Đống Đa) được đề cập trên các báo ra ngày 4 và 5/4/2022.

Trước khi có chỉ đạo trên, dư luận cũng đang đặc biệt quan tâm tới câu chuyện này, khi tòa nhà bị phá dỡ nằm khá gần quảng trường Ba Đình, có 4 mặt đều tiếp giáp với các mặt phố cũ - và đặc biệt, mang phong cách kiến trúc Pháp khá tinh tế với độ tuổi được xác định lên tới cả thế kỷ.

Như những gì được cung cấp, tòa nhà 2 tầng này vốn là nhà máy cũ, được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX và hiện giờ đã phá dỡ gần xong. Theo kế hoạch, không gian này sẽ xuất hiện một công trình mới, với chiều cao 11 tầng nổi và 6 tầng ngầm.

Chú thích ảnh
Một phần còn lại của toà nhà Pháp cổ số 61 Trần Phú nhìn từ đường Hùng Vương. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Dễ hiểu, khi bản thân những thông tin ấy đã đủ để dư luận có thêm những băn khoăn và tiếc nuối trong trường hợp này. Nó gắn với một kịch bản khá quen thuộc và đang diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam: Từng là chứng nhân lịch sử của đô thị, nhưng nhiều kiến trúc cũ nằm ở vị trí trung tâm đô thị đang dần biến mất để nhường chỗ cho những cao ốc với chức năng chung cư cao cấp hoặc trung tâm thương mại.

Ở đây, cần nhắc lại một mô thức quen thuộc để phát triển của các đô thị cũ từ thời Pháp, khi những nhà máy,văn phòng, bưu điện...được xây dựng sớm trong vai trò “hạt nhân”. Từ các “hạt nhân” ấy, mọi hoạt động sản xuất công nghiệp , hành chính, thương mại... dần được hình thành - để rồi hàng chục năm sau, khi đô thị phát triển tới mức độ cao, những công trình đầu tiên ấy hoặc không còn phù hợp về công năng và cần di dời, hoặc trở nên quá tải và xuống cấp sau nhiều thay đổi.

Chưa hội tụ những giá trị kiến trúc tiêu biểu - hay những sự kiện lịch sử gắn kèm - đủ để xếp hạng di sản cần bảo tồn, vậy nhưng có cách tiếp cận nào tích cực hơn với những trường hợp này, thay vì xóa bỏ chúng để khai thác quỹ đất vốn đã trở thành vị trí vàng của thành phố sau nhiều năm phát triển?

Chú thích ảnh
Hiện trạng công trình số 61 Trần Phú đang được tháo dỡ. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Sẽ rất khó để yêu cầu Nhà nước bỏ ra một nguồn kinh phí khổng lồ nhằm gìn giữ các di sản kiến trúc này. Và, càng bất hợp lý hơn, nếu đòi hỏi một cách máy móc rằng chúng phải được xếp hạng di tích để bảo tồn toàn bộ.

***

Thực chất,“lời giải” cho bài toán bảo tồn - phát triển này đã được đề cập tới từ nhiều năm qua, với câu chuyện tận dụng các di sản kiến trúc theo mô hình không gian sáng tạo ở nhiều đô thị trên thế giới.

Cụ thể, dưới lớp vỏ của kiến trúc cũ được giữ lại toàn bộ hoặc một phần, những không gian lâu đời và giàu tính văn hóa lịch sử ấy cần được chuyển đổi công năng để trở thành những quán cà phê, phòng tranh sân khấu ca nhạc, thư viện, studio hay những khu phức hợp đa chức năng - nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động như sản xuất, bán sản phẩm về chất xám, tổ chức sự kiện để thúc đẩy sáng tạo.

Trong bối cảnh Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và đang khao khát những không gian sáng tạo mới, mô hình này cần được sớm thực hiện với sự kiên nhẫn - khi theo thời gian, những không gian được chuyển đổi công năng ấy sẽ dần trở thành “hạt nhân” sáng tạo, mang lại nguồn thu bền vững, cũng như lan tỏa giá trị để nâng cao... giá đất ở những khu vực liền kề.

Và, để thu hút được nguồn lực xã hội theo hướng ấy, câu chuyện trước tiên phải bắt nguồn từ những cơ chế linh hoạt và minh bạch nhằm khuyến khích nhà đầu tư, trong đó có việc “bù lại” quyền lợi về hệ số sử dụng đất, hay quyền khai thác quỹ đất đã được quy hoạch ở những vị trí dành cho cao ốc, trung tâm thương mại trong thành phố - giống như cách mà nhiều nước phát triển đã làm.

Đó có thể là một con đường dài và không đơn giản. Nhưng, nếu coi di sản là thương hiệu và bản sắc của một đô thị, hãy nhớ rằng: Tiền bạc có thể tạo ra mọi thứ cho thương hiệu, nhưng không thể thay thế cho giá trị theo thời gian, như cách mà chúng ta phải đi hết 50, 100 năm để có một di sản kiến trúc giống bây giờ.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm