Khơi thông những 'điểm nghẽn' về văn hóa bằng 3 chữ tâm

22/11/2021 13:57 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm được tổ chức vào ngày 24/11 sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất: Nâng văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới

75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất: Nâng văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới

Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/11/2021 - đúng vào ngày mà 75 năm trước đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (24/11/1946).

Hội nghị sẽ đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Hội nghị cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhất là sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa. Sự quan tâm đó là có cơ sở lý luận và thực tiễn, bởi các văn kiện của Đảng đều khẳng định phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển, là 1 trong 4 trụ cột mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nói rất rõ.

Do đó, quy mô của Hội nghị khá lớn, tính chất toàn quốc, nên bên cạnh việc tổ chức tại hội trường Diên Hồng với sự tham dự của gần 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sĩ, tổ chức chính trị xã hội thì Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến tất cả các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm điểm cầu của các tỉnh, thành ủy, quy mô tập thể Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh, các cơ quan ban ngành đoàn thể cấp tỉnh). Ban Chỉ đạo hội nghị còn mong muốn phát huy sức mạnh công nghệ thông tin có thể kết nối trực tuyến đến tận các các xã phường, thị trấn trong toàn quốc”.

Chú thích ảnh
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Trong ảnh: Lễ hội Kéo co ngồi đền Trấn Vũ được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: TTXVN

Nội dung trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa. Dựa trên đường lối của Đảng ta, đặc biệt là tinh thần của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa được Đảng ta xác định là kim chỉ nam cho hành động, thì chúng ta nhìn lại một cách sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về văn hóa đã đạt được những thành tựu và còn những khó khăn, yếu kém gì? Từ đó rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có nhận thức đúng đắn. Khi có nhận thức đúng thì sẽ có hành động đẹp. Tiếp theo là, từ nhận thức có tính chất hệ thống về các quan điểm của Đảng, thực tiễn qua 35 năm đổi mới của Đảng ta, dưới góc độ văn hóa thì yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Từ Hội nghị đầu tiên góp phần thống nhất nhân tâm…

Cách đây 75 năm (24/11/1946), Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị này là nỗ lực của giới hoạt động văn hóa Việt Nam nhằm huy động mọi sáng kiến để chấn hưng văn hóa đất nước. Việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm…) chứng tỏ sự quan tâm của Đảng, của Chính phủ và các tầng lớp trong xã hội đến lĩnh vực văn hóa.

Sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các vị lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các Bộ tại Hội nghị này cho thấy tầm vóc của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Hồ Chủ tịch đã có một bài diễn văn quan trọng tại Hội nghị, vừa khẳng định vai trò của văn hóa, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, vừa cổ vũ, động viên các nhà văn hóa chung sức, đồng lòng xây dựng một nền văn hóa mới của nước nhà, nền văn hóa ấy lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

Theo PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tư tưởng, tinh thần của Hội nghị này đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa. Đồng thời, tư tưởng, tinh thần ấy được lan tỏa trong đời sống xã hội, văn hóa đã phát huy được sức mạnh trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

“Việc tổ chức Hội nghị thể hiện tầm nhìn chiến lược về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, việc qui tụ được đông đảo giới nhân sĩ trí thức tham gia Hội nghị cũng đã phát huy được trí tuệ, tâm huyết của họ đối với nền văn hóa dân tộc và vận mệnh đất nước. Có thể nói, Hội nghị này đã góp phần thống nhất nhân tâm, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, mà với tầm vóc và tư tưởng văn hóa đã được khẳng định, Hội nghị là một sự chuẩn bị chiến lược để phát huy sức mạnh dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới” - PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu nói.

Chú thích ảnh
PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu

… đến kỳ vọng vào một Hội nghị của quyết tâm, trí tâm và đồng tâm

Văn hóa Việt Nam hôm nay đang phát triển thuận lợi trong điều kiện đất nước hòa bình, tự do và một thế giới đa diện. Để phát triển đất nước, quan điểm văn hóa là một mặt trận, trong xây dựng phát triển văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được Ðảng ta tiếp thu trên bình diện rộng lớn hơn. Mục đích của văn hóa là định hướng tư tưởng, tạo sự bình ổn về mặt tinh thần của xã hội, văn hóa bằng cách này, cách khác phải gắn với chính trị, kinh tế. Do vậy, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) khẳng định: "Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng".

Dẫu vậy, theo PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu, văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, ẩn chứa trong đó cả những điều vô cùng tinh tế và phức tạp. Nếu hệ giá trị văn hóa của một quốc gia, dân tộc có sự ổn định tương đối thì nhiều yếu tố khác của nền văn hóa dân tộc lại có xu hướng biến đổi.

“Trong bối cảnh đất nước và thời đại có nhiều biến động, văn hóa cũng phải có sự thay đổi để thích ứng với những điều kiện mới. Quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng đã mang lại nhiều thời cơ cũng như đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Thực tế cho thấy, bên cạnh vai trò của văn hóa ngày càng được khẳng định, nhiều giá trị văn hóa mới hình thành, nhiều hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa mới xuất hiện… thì còn có sự gia tăng của các hiện tượng phản văn hóa, phản giá trị, các hiện tượng “lệch chuẩn” trong xã hội... Thêm vào đó là sự xâm lấn ồ ạt của các sản phẩm văn hóa ngoại nhập, các giá trị ngoại lai. Ngoài ra, còn có những vấn đề văn hóa mới xuất hiện, chưa từng có trong tiền lệ.

Tất cả những sự phong phú và phức tạp trong quá trình vận động của nền văn hóa nước nhà hiện nay đòi hỏi phải có sự quan tâm thích đáng từ các cơ quan lãnh đạo, quản lý, từ giới chuyên môn, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và rộng hơn là toàn xã hội” - PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu nói.

Cũng theo PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc hay tổ chức Diễn đàn Văn hóa hàng năm để lắng nghe ý kiến của đông đảo các nhà quản lý, của giới trí thức, của nhân dân nếu làm được thì rất tốt, vì theo bà, sự thu hút được nguồn lực trí tuệ, khơi thông những “điểm nghẽn” trong nhận thức về văn hóa, phát hiện ra những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về văn hóa và phát triển, “hiến kế” để phát triển văn hóa.

“Nhưng thiết nghĩ, điều quan trọng là sau Hội nghị này chúng ta sẽ làm những gì, sẽ tổ chức triển khai những “sáng kiến” phát triển văn hóa ra làm sao? Có đầu tư nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho tương xứng với vị trí của văn hóa hay không? Có thể chế hóa mạnh mẽ những quan điểm, đường lối và những kế sách phát triển văn hóa thành các chiến lược, các chương trình, các kế hoạch hành động hay không?... Để Hội nghị Văn hóa toàn quốc đáp ứng được kỳ vọng, sự mong đợi của giới văn hóa và toàn xã hội, xin trở lại với ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải chú trọng đến 3 chữ “tâm”: Quyết tâm, trí tâm và đồng tâm” - PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu nhấn mạnh.

Cùng với các hoạt động chính, trong dịp này sẽ có một số hoạt động lớn bên lề, như triển lãm với chủ đề Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, khai mạc chiều 16/11 và diễn ra tới hết ngày 27/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội); Chương trình nghệ thuật chào mừng hội nghị với chủ đề Việt Nam với khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc, dự kiến tổ chức tối ngày 23/11 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội)…

(Còn tiếp)

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm