Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (kỳ 2): Nỗi lo 'tự bơi và tự diệt' ở sân khấu kịch TP.HCM

30/05/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Kịch thiếu nhi hấp dẫn không chỉ mở ra một không gian huyền ảo để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Hơn thế, xem những vở diễn ấy, các phụ huynh cũng trở lại tuổi thơ của mình và nhẹ đi những nỗi lo toan trong đời sống.

Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (Kỳ 1): Từ sân chơi của tài năng nhí…

Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (Kỳ 1): Từ sân chơi của tài năng nhí…

Đều đặn, mỗi dịp Hè về, các bậc phụ huynh lại hối hả đi tìm lời giải cho một bài toán khó: Giúp con mình tìm kiếm những sân chơi nghệ thuật, cũng như cơ hội trải nghiệm, tiếp nhận kiến thức trong lĩnh vực này.

Những vở diễn ấy đầy sắc màu, cuốn hút và luôn kết thúc bằng một thông điệp nhân văn. Như nhiều chuyên gia chia sẻ, những thông điệp bằng nghệ thuật ấy nhiều khi còn “dễ thấm” hơn trăm ngàn lời dạy dỗ của cha mẹ và thầy cô.Do đó, cần tận dụng lợi thế của sân khấu để hướng các em về phía chân thiện mỹ.

Nỗi lo…một mình một chợ

Kịch IDECAF gần như là đơn vị đầu tiên khởi xướng kịch thiếu nhi tại TP. HCM từ hơn 20 năm trước. Ban đầu diễn tại sân khấu nhỏ của mình, sau đó họ diễn tại Nhà hát Bến Thành với quy mô vở diễn hoành tráng hơn. Thấm thoắt mà đã đến chương trình Ngày xửa ngày xưa lần thứ 32, trung bình mỗi năm 1 -2 vở, chủ yếu là cổ tích. Ngoài ra còn gần chục vở kịch lịch sử dành cho thiếu nhi như Thánh Gióng, Sơn Tinh, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Quốc Toản… diễn khắp các trường học và nhà văn hóa ngoại thành, ra tận Hà Nội.

Chú thích ảnh
Vở mới “Truy tìm thủy long kiếm” của Kịch IDECAF, ra mùa hè 2019. Ảnh: H.K

Sau IDECAF, Kịch Hoàng Thái Thanh và Kịch Thế giới trẻ cũng vào cuộc, dựng các vở Aladin, Chú kiến lạc loài, Ngàn lẻ hai đêm… khá thú vị. Nhưng chẳng bao lâu, hai sân khấu này bỏ cuộc. Đạo diễn Ái Như nói: “Hóa ra làm kịch thiếu nhi không đơn giản. Đầu tư rất cao vì trang phục phải đẹp rực rỡ, cảnh trí phải lộng lẫy lung linh. Còn diễn xuất cũng vất vả hơn nhiều, không chỉ thoại và diễn, mà còn ca hát, nhảy múa tưng bừng. Trong khi đó giá vé không thể cao bằng vé người lớn”.

Bây giờ, nhìn đi nhìn lại, TP.HCM gần như chỉ còn Kịch IDECAF bám trụ ở lĩnh vực này, khi họ tự đào tạo được đội ngũ diễn viên giỏi ca hát, nhảy múa, hài hước… Sân khấu này còn có nhạc sĩ soạn nhạc riêng cho vở, có chuyên gia may trang phục, thiết kế cảnh trí, dám thuê Nhà hát Bến Thành cả ngàn ghế với mong muốn mau lấy lại vốn (trung bình mỗi vở 300-400 triệu đồng đầu tư).

“Thật sự chúng tôi cũng không thích gì với cảnh một mình một chợ đâu. Chúng tôi đâu sợ cạnh tranh. Bởi thiếu nhi của thành phố này đông lắm, các em cần nhiều vở để xem”, Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn của IDECAF nói. “Rất cần có thêm nhiều đơn vị cùng làm kịch cho các em, để thế hệ trẻ được lớn lên trong cái đẹp và nhân văn”.

Chú thích ảnh
Vở cũ “Chú kiến lạc loài” của Kịch Hoàng Thái Thanh. Ảnh: Nguyễn Á

Hãy “hà nơi tiếp sức”

Sân khấu thiếu nhi cuối cùng vẫn do các đơn vị tư nhân đảm nhiệm. Và họ đã tự bơi, tự diệt, chứ không thể trông chờ quá nhiều vào sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước. Cho dù, nhiều giáo viên đã đánh giá cao hàng loạt vở kịch lịch sử mà IDECAF dàn dựng công phu. Kịch hấp dẫn, cô giáo cũng vui khi thấy các em sớm vanh vách thuộc các bài lịch sử trên lớp.

Thực tế, Kịch IDEACF từng trình đề án lên Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đề xuất mỗi vở kịch thiếu nhi ấy sẽ đi diễn 50 suất cho 50.000 học sinh xem. Cộng tất cả tiền dựng, tiền cát-sê rẻ, tiền di chuyển, âm thanh, ánh sáng… chỉ 300 triệu đồng, nghĩa là trung bình mỗi em học sinh được đầu tư 6.000 đồng. Sở hứa đầu tư, nhưng rồi chỉ có thể hỗ trợ tiền lưu diễn 10 suất, mỗi suất 5 triệu. Nhưng anh em Kịch IDECAF không bỏ cuộc, cứ bỏ tiền ra mà dựng, chạy đôn chạy đáo đi tìm tài trợ, được chút nào hay chút ấy. Một đơn vị kinh doanh tài trợ cho vở Trần Quốc Toản ra tận Hà Nội diễn miễn phí. Còn lại thì Kịch IDECAF tự lo.

“Chúng tôi vì yêu sử mà làm, nhưng buồn lắm. Đến các nhà văn hóa thiếu nhi mời hợp tác bán vé cho các em 10.000 đồng/vé, rẻ bèo luôn, trừ hết mọi chi phí tôi còn phải bù lỗ một chút, tôi cũng vui vì các em được thưởng thức. Vậy mà nhiều nhà văn hóa còn đòi tôi chi hoa hồng 2.000 đồng/vé. Hết nói nổi”, Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn than.

Mấy năm nay Kịch IDECAF thôi không dựng vở lịch sử cho thiếu nhi nữa cũng vì những nỗi niềm ấy. Nhưng các vở cũ vẫn được anh em tiếp thị khắp nơi. Ông Tuấn nói thêm: “Dù sao thì chúng tôi vẫn còn tâm huyết với lịch sử, nên cố gắng được bao nhiêu hay bấy nhiêu”. Số tiền đi diễn trích ra từ tiền lãi của các vở khác, bởi Huỳnh Anh Tuấn và NSƯT Thành Lộc khi mới thành lập Kịch IDECAF có hứa với nhau rằng ngoài cơm áo gạo tiền thì anh em phải làm cái gì đó ý nghĩa với trẻ em.

Thực sự thì các nhà văn hóa thiếu nhi được xây dựng rất đẹp, dư sức để làm sân khấu biểu diễn kịch mỗi mùa Hè. Còn nếu có đơn vị nào đầu tư, cũng cần bỏ ra chừng 100-150 triệu đồng là đủ làm một vở khá tốt, với lực lượng nghệ sĩ trẻ hùng hậu của làng kịch nói. Như Kịch IDECAF, họ sẵn sàng tư vấn về đào tạo, dàn dựng. Nhưng vấn đề là các nhà văn hóa, các cộng đồng sân khấu khác phải vào cùng vào cuộc tiếp tay.

Như hi vọng của nhiều nghệ sĩ, cũng sẽ rất hay nếu Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chủ động giao chỉ tiêu dựng kịch thiếu nhi cho các đơn vị quốc doanh hưởng tiền ngân sách. Nếu không, Sở có thể dành một số kinh phí nhất định cho mỗi mùa hè để mua vé từ các vở kịch tư nhân, lấy số vé đó tặng miễn phí cho học sinh giỏi, cho thiếu nhi ngoại thành hoặc các trẻ em gặp khó khăn.

Chẳng thiếu cách làm, nếu tất cả cùng quyết tâm. Đừng để sau một khởi đầu rất tốt trong quá khứ, các đơn vị sân khấu tư nhân rơi vào cảnh đuối sức, rồi tự bơi và tự diệt.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm