Tản văn cuối tuần: Hoa hậu trong nhà, mẹ chồng trong phim

25/06/2022 07:50 GMT+7

1. “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”, câu ca dao này nói cái gì nhỉ? Nhưng dù ngoài đường có “lắm kẻ” còn “giòn” hơn… cà pháo muối xổi, thì ở nhà, với mẹ, con vẫn là nhất! À quên, là… nhì, nhưng đây đâu phải thi hoa hậu, mà mẹ cứ phải giành giải nhất, nhường con giải… nhì, nhỉ?

Tản văn cuối tuần: 'Thời nào, văn hóa ấy'

Tản văn cuối tuần: 'Thời nào, văn hóa ấy'

Những năm bảy mươi của thế kỉ trước, nhà thơ Hoàng Cầm ở sâu trong một ngõ tối trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Ông bán rượu và đồ nhắm cũng chỉ lạc rang, rồi cả trà thuốc như mọi quán nước vỉa hè.

Tôi biết, câu ca dao khuyên chuyện khác, đề phòng chuyện khác, nhưng tôi lại muốn đặt ngược vấn đề, xáo trộn mệnh đề, hòng cho ra một kết quả… không giống ai. Ấy là, với những cô gái khi ra đường đã thuộc loại “giòn”, thì lúc về nhà sẽ thuộc loại gì?

Không phải tất cả ở nhà đều là nhất hay nhì. Có thể là hoa hậu ngoài đường, nhưng lại không “thi đỗ” danh hiệu “hoa hậu trong nhà”. Ông bà hay nói “cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng thực ra, cái nết không hề “đánh chết” hay đánh bị thương ai, nhất là “cái đẹp”. Cái nết chỉ muốn đồng hành cùng cái đẹp, không chỉ ở “ngoài đường”, mà bắt đầu từ “ở nhà”, ở nơi mà ít người thấy, ít người nhòm nhõ vào nhất.

Nhiều khi ta bị buộc (không cố ý) phải chứng kiến ít nhiều “hoa hậu” phường, hoa hậu khu phố lúc đi ngoài đường thì duyên dáng yểu điệu thục nữ đủ cỡ lụa là đủ khoa sành điệu, phóng xe như bay giữa cõi hồng trần đầy bụi bặm, nhưng thoáng chốc về nhà lại đối xử với mẹ đẻ ra mình, và phiền hơn, với mẹ chồng mình, chả ra gì.

Chú thích ảnh
Vương miện Hoa hậu Việt Nam. Ảnh minh họa

Các bà mẹ, vốn được ca dao “chấm giải nhất” rồi, nên bấm bụng âm thầm “cầm lòng vậy đành lòng vậy”. Thảng hoặc cũng có bà mẹ chắc là phải làm nhiều việc quá nên đổ… quạu, trách con gái hoặc con dâu, và thế là… Chưa kịp chấm giải “hoa hậu trong nhà”, những ông bố đáng kính đã phải vào cuộc chấm giải “hát với nhau” cũng trong nhà, cuộc thi vẫn ở tầm “siêu kinh điển” giữa hai đối thủ “truyền kiếp” cỡ như M.U với Arsenal, hay Real Madrid với Barcelona(!). Nhiều khi kết quả là “nhất con nhì mẹ”. Dĩ nhiên khả năng chiến thắng của truyền thống trước hiện đại không bị loại trừ, nên có lúc kết quả vẫn là “nhất mẹ nhì con”.

2. Tôi nghĩ, với rất nhiều cô gái, cả khi là cô dâu, nếu đạt được danh hiệu “hoa hậu trong nhà” đúng cỡ, đã là hạnh phúc! Hạnh phúc cho mình một, mà hạnh phúc cho gia đình mình những… mười.

Và thực tế, đã có không ít những cô gái, cô dâu dễ dàng đạt tới danh hiệu cao quí ấy mà không cần bất cứ một “laurels” (vòng nguyệt quế) nào, dù do nhà thiết kế sáng tạo nên hay do ban tổ chức mua ở chợ Bến Thành. Các cô cứ hồn nhiên và bình thản làm việc nhà, cứ vui vẻ “nhất mẹ nhì con” và không bao giờ nghĩ tới bất cứ cuộc “chính biến” nào, dù là để đảo ngược thang giá trị hay chứng minh khả năng ưu việt của mình.

Đã có biết bao cô dâu chăm sóc mẹ chồng mình còn tận tụy hơn con đẻ, và biết bao bà mẹ khi nói về con dâu mình đã sung sướng và tự hào như nói về con đẻ. “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” là chuyện có thật ngay bây giờ chứ không chỉ trong những bài hát xa xưa nào. “Hoa hậu trong nhà”, sao chưa thấy một cuộc thi chính thức nào như thế nhỉ ? Hay “cuộc thi” này vẫn âm thầm diễn ra hàng ngày mà ta ít khi để ý nhận ra ?

3. Có một điều lâu nay khiến tôi cảm thấy rất khó chịu khi xem phim truyền hình dài tập trên tivi. Đó là có những phim đề cập đề tài mẹ chồng -nàng dâu theo một cung cách rất kỳ cục. Đó là mẹ chồng thì nhất định phải… xấu, con dâu thì có thể thế này thế kia.

Tại sao lại có sự mặc định kỳ quặc thế nhỉ? Vì sao, mẹ chồng lại cứ phải xấu, cứ phải nanh nọc, cứ phải hành con dâu cho tới bến cứ như người thù người ghét đâu từ kiếp nào vậy nhỉ? Nghệ thuật hay văn học, cả điện ảnh, đều phải bắt đầu từ hiện thực, và đều không ít thì nhiều mang tính giáo dục, chứ không phải cứ ngồi bịa đặt ra những chuyện không phải là phổ biến tới mức phải phê phán “hùng hồn, dữ dội” như trong phim truyền hình dài tập của ta. Nhiều khi xem những phim ấy, lúc người “mẹ chồng độc ác” xuất hiện, người ta hết muốn xem, vì bực mình. Không phải bực mình vì nhân vật mẹ chồng diễn dở, ngược lại, diền rất hay, nhưng bực mình vì chính cái người ta vẫn gọi là mẹ chồng ấy, có thật tới bao nhiêu phần trăm trong cuộc đời này. Mà sao cứ mẹ chồng thì phải nanh nọc, phải xấu nhỉ?

Đừng nghĩ, phim thì tha hồ hư cấu nhé.

Nhà thơ Thanh Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm